Trong bài viết Sức khoẻ và thể dục năm 1946, Hồ Chí Minh cho rằng: “... khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”[1]. Hiến chương năm 1948 của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, sức khoẻ là trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh và tật. Như vậy, sức khoẻ là trạng thái phát triển hài hoà của mỗi con người cả về thể lực, trí tuệ và khả năng hoà nhập cộng đồng, chứ không chỉ là tình trạng không mắc bệnh tật, ốm đau hoặc không bị khuyết tật. Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Điều này đã được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước ta. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30/6/1989 ghi rõ: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều kiện cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho Hội nghị cán bộ Y tế, 2/1955. Ảnh: Tư liệu. Sức khỏe làm cho con người sống thoải mái, sảng khoái và hạnh phúc. Đồng thời, sức khỏe góp phần sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần tốt nhất cho bản thân con người và cho xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Sự cường tráng về thể chất là nhu cầu của bản thân con người, đồng thời là vốn quý để tạo ra tài sản trí tuệ và vật chất cho xã hội” . Sức khỏe có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Có sức khoẻ thì có điều kiện nâng cao năng suất lao động. Sức khoẻ tốt sẽ giảm chi phí cho chăm sóc sức khỏe, cho các dịch vụ y tế, và đặc biệt là giảm chi phí cho khám chữa bệnh, nhờ đó, tăng tích luỹ để phát triển kinh tế. Có sức khoẻ thì làm tăng khả năng sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần trong xã hội. Vì lẽ đó, từ xưa đến nay, nghề chăm sóc sức khỏe luôn được cả xã hội tôn vinh, gọi những người hành nghề là thầy thuốc. Và, cũng hiếm có nghề nào mà xã hội lại đòi hỏi cao cả về phẩm chất và tài năng như nghề y. Nghề y là một nghề đặc biệt và cao quý, do đó việc tuyển chọn, đào tạo cũng rất đặc biệt. Tại Việt Nam, thời gian đào tạo để trở thành bác sĩ thường kéo dài từ 6 đến 7 năm, trong khi đại đa số chương trình đào tạo các trường đại học chỉ kéo dài từ 4 đến 5 năm. Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học y, dược luôn ở mức cao nhất. Vào học trường y là niềm tự hào của rất nhiều sinh viên, gia đình và dòng họ. Thế nhưng, trước khi trở thành thầy thuốc, mỗi người theo học ngành y đều phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện nghiêm ngặt về nghiệp vụ chuyên môn kèm theo đó là các điều về y đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình (tỉnh Hà Tây cũ), ngày 20-4-1963. Ảnh: Internet. Xác định sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với nơi con người sinh sống và hoạt động hằng ngày nên có vị trí và vai trò đặc biệt trong hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Ngay từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước non trẻ của chúng ta đã không ngừng xây dựng một nền y tế Việt Nam gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân, phục vụ sản xuất, chiến đấu và phát triển hệ thống y tế ngày càng hoàn chỉnh. Đến nay, ở nước ta đã hình thành hệ thống y tế từ Trung ương xuống tận cơ sở, đồng thời phát triển hệ thống y tế theo khu vực chuyên sâu và phổ cập. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân cũng không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng, cùng với ý thức tự giác, chủ động của mỗi người dân chăm lo cho sức khỏe bản thân đã góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho mọi người trong cộng đồng. Mặt khác, công tác quản lý chăm sóc sức khoẻ không ngừng được cải tiến để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người dân ngày càng đa dạng và cao hơn. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025” của Đại hội XII trình Đại hội XIII đã chỉ rõ: "Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý tiếp tục được thực hiện, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đã triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức thay thế, năm 2020 là 2,09 con/phụ nữ, giảm so với mức 2,1 con/phụ nữ năm 2015. Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển; đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao. Tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 8,2 bác sĩ năm 2016 lên 9 bác sĩ năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; triển khai đồng bộ hệ thống quản lý tiêm chủng tới tất cả các điểm cho người dân; tăng cường quản lý môi trường y tế, vệ sinh môi trường; tích cực phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Đã hình thành 3 trung tâm y tế chuyên sâu và đang thực hiện đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 28 giường vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (26,5). Đã xây dựng Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại”[2]… Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân”. Sáng 31/1 - tức 29 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, chúc Tết đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Internet. Thế nhưng, trên thực tế, ở đâu đó vẫn còn có những lời than phiền về y đức của một số thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cơ sở y tế. Tuy lời than phiền chỉ là con số ít, nhưng “con sâu đã làm rầu nồi canh”… Cách đây 67 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành y tế. Trong bức thư, Người căn dặn thầy thuốc nước ta: “Lương y phải là như từ mẫu”. Ngày 27-2 đã được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc nước nhà mà còn là dịp để nhắc nhở các thầy thuốc Việt Nam nhớ lại bài học về y đức. Tại Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã đề cập tới việc xây dựng chiến lược 10 năm 2021- 2030. Trong đó, với riêng lĩnh vực y tế phải hoàn thành các yêu cầu như: Đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, phấn đấu trên 95% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Chú trọng công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời. Tập trung phát triển mạnh y tế cơ sở và y tế dự phòng. Tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ con người. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh, liên thông công nhận kết quả khám, xét nghiệm, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử toàn dân; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Phấn đấu đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân. Tập trung phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu, xây dựng một số cơ sở khám, chữa bệnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đào tạo, nâng cao năng lực và tổ chức quản trị chuyên nghiệp các cơ sở y tế. Khuyến khích phương thức đối tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, phấn đấu tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Phát triển y học cổ truyền gắn với y học hiện đại. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, chủ động sản xuất vaccine, thuốc sáng chế. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn. Phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm HIV, tiến tới chấm dứt bệnh dịch AIDS trước năm 2030. Nghề y là một nghề đặc biệt và cao quý, do đó rất cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nếu ai đã từng vào bệnh viện, từng chứng kiến những giây phút mà người bác sĩ phải đối mặt với sự sinh tử của người bệnh, đứng trên bàn mổ nhiều giờ, tiếp xúc với những bệnh phẩm, hóa chất độc hại… mới cảm thông được nỗi vất vả của nghề thầy thuốc. Trong lúc ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, đời sống của người dân còn khó khăn, chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của các thầy thuốc chân chính. [1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.212. [2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tập II, tr 45-47. Phan Thanh (Theo thinhvuongvietnam.com)