
Toàn cảnh Hội thảo
Cùng chủ trì Hội thảo có TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chủ nghĩa xã hội khoa học khi xem xét theo nghĩa hẹp là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng khi xem xét ở nghĩa rộng nhất, chính là toàn bộ chủ nghĩa Mác- Lênin, bởi nó luận giải từ góc độ triết học, góc độ kinh tế, góc độ chính trị- xã hội về sự phát triển tất yếu của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Với vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, việc nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học có ý nghĩa to lớn trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Đây cũng là nội dung không thể thiếu trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác lý luận trong hệ thống chính trị của nước ta.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là: “trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý”. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nói chung và nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng toàn diện trên phạm vi cả nước, góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ đảng viên, khắc phục tình trạng “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phê duyệt và triển khai nhiệm vụ xây dựng, biên soạn “Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học”.
Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện, Ban chủ nhiệm Đề án 587, chủ nhiệm nhiệm vụ, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan đã triển khai được nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này hoàn thành theo đúng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đặt ra, các thành viên tham gia cần tham khảo rộng rãi ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện nhằm chắt lọc, hoàn thiện chương trình. Vì vậy, việc triển khai hội thảo khoa học này có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và biên soạn Chương trình, vừa là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài Học viện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đi sâu thảo luận một số vấn đề chủ yếu sau: i) làm rõ thực trạng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học trong hệ thống Học viện và tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay; những điểm mạnh, điểm yếu và vấn đề cần hoàn thiện để nâng cao chất lượng cho đội ngũ này; ii) thảo luận làm rõ chuẩn đầu ra của chương trình “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học” là gì? Sau khi kết thúc, những người tham gia khóa học sẽ có thêm được điều gì? Và để đạt được chuẩn đầu ra đã xác định, phải xây dựng khung chương trình, các chuyên đề, thời lượng, phương pháp bồi dưỡng ra sao?; iii) thảo luận và làm rõ những yêu cầu, điều kiện để thực hiện chương trình “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học” nhằm khắc phục tình trạng chương trình được ban hành nhưng lại không đủ điều kiện để thực hiện; iv) thảo luận và làm rõ những vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết trong xây dựng và biên soạn chương trình “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học”.
------
Hội thảo khoa học "Nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình mới" là một hoạt động trong khuôn khổ đề tài xây dựng và biên soạn “Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học” thuộc Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 (gọi tắt là Đề án 587)./.