10 năm nghiện, 7 lần cai không thành, nhưng chính vào lúc cầm trong tay bản án tử hình “nhiễm HIV”, Kiên “ết” (36 tuổi) lại tỉnh ra, “Phải làm lại từ đầu nếu còn muốn sống như một con người”. Và anh đã làm được.
17 tuổi, bỏ học để “toàn tâm, toàn ý” với ma túy, thâm niên 10 năm nghiện, 7 lần cai không thành, cánh cửa cuộc đời tưởng chừng đã sập lại trước mặt Phan Văn Kiên. Nhưng chính vào lúc cầm trong tay bản án tử hình “nhiễm HIV”, Kiên “ết” (36 tuổi) lại tỉnh ra, “Phải làm lại từ đầu nếu còn muốn sống như một con người”. Và anh đã làm được.
Lần nào tôi ghé qua “trụ sở” của Hợp tác xã Sông Lam Xanh (tại đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vinh, Nghệ An), Phan Văn Kiên (sinh năm 1976) cũng đang tất bật giữa đống hàng hóa chất ngồn ngộn. Nói là “trụ sở” cho oai chứ thực chất chỉ là 2 gian ki-ốt be bé vừa làm cửa hàng, vừa làm nơi sinh hoạt chung của những người có “H” và cũng là nơi tá túc của ông chủ nhiệm hợp tác xã. Căn phòng chật chội, nóng như hầm lò, ngồi trước quạt gió đang chạy hết tốc lực, tôi vẫn mướt hết cả mồ hôi. “Từ hồi thành lập Hợp tác xã gần như tôi định cư tại đây luôn. Ít khi về nhà lắm”, Kiên cho biết.

Đĩnh đạc như một ông chủ, thân thiện và dễ gần, dễ trải lòng với người khác nhưng Kiên từng có một quá khứ u ám.
Đĩnh đạc như một ông chủ, thân thiện và dễ gần, dễ trải lòng với người khác nhưng Kiên từng có một quá khứ u ám. Chính nó đã nhắc anh phải sống cho ra sống những ngày còn lại của cuộc đời, dẫu rằng những ngày ấy có tách biệt với môi trường mà heroin dễ kiếm như mớ rau ngoài chợ.
Cai nghiện khó như tìm đường lên trời
Những năm 1990, khi cơn bão ma túy bắt đầu thâm nhập vào thành Vinh thì Phan Văn Kiên bước vào tuổi 17. Cái tuổi nổi loạn, tò mò và thích khám phá đó đã khiến Kiên “bập” vào ma túy lúc nào không hay. Khi mọi người phát hiện ra cũng là lúc Kiên đã hoàn toàn phụ thuộc vào thứ khoái cảm giả tạo nhưng chết người ấy. Mọi chi tiêu bị thắt chặt, đầu óc chỉ nghĩ tới thuốc , không còn chỗ cho sách vở, Kiên bỏ ngang việc học hành để “toàn tâm, toàn ý” với heroin. Ngày ấy, nhà có đứa nghiện chẳng khác nào cái “gai” trong mắt họ tộc, xóm làng. Thương con, một phần vì thanh danh của gia đình, của dòng tộc, bố anh quyết định nhốt con ở nhà để tách anh ra khỏi đám bạn hư hỏng, những tưởng sẽ kéo anh về được với mình. Nhưng kế hoạch của ông nhanh chóng bị phá sản bởi cứ “sểnh” ra một tí là Kiên mất hút
“Lúc cắt cơn mình nghĩ có thể cai được. Nhưng khi lên cơn nghiện thì mọi quyết tâm đều tan biến, chỉ nghĩ làm sao có thuốc. Mẹ khóc, cha khóc, anh chị khóc... nhìn thấy thế đau lắm nhưng...”, giọng Kiên nghèn nghẹn. Năn nỉ, quát nạt mãi cũng không ăn thua, ông quyết định gửi con lên núi. Lên rừng, Kiên vẫn mang được thuốc theo để thỏa cơn thèm. Những khi hết “hàng”, Kiên lại trốn về Vinh. Hút, hít không đủ cữ, Kiên chuyển qua chích. “Những lúc đói thuốc, trong đầu có nghĩ được gì nữa đâu. Cũng chẳng định hình được “ết” (AIDS) là chi, chỉ mong sao đến lượt mình chích nhanh nhanh để cắt cơn “vật” đói thuốc”, Kiên nhớ lại. “Tính cả cai tại nhà và cai trên núi tôi đã trải qua đến 6-7 lần. Nhưng cứ cai rồi về nghiện nặng hơn. Để có tiền mua thuốc, tôi làm đủ thứ chuyện trên đời, theo bọn đầu gấu làm bảo kê ở các chiếu bạc, đi đưa thuốc, khi túng quá đành làm liều bán heroin để kiếm tiền nuôi những cữ thuốc ngày càng dày đặc của mình. Duy chỉ có đi ăn cướp là tôi “không đủ bản lĩnh” để làm. Những ngày đó, trong đầu tôi không có ý niệm nào khác ngoài việc làm sao để có thuốc thỏa cơn nghiện. Tôi cứ sống mê muội như thế cho đến một ngày...”. Cái ngày đó Kiên không thể quên, như mũi gai của một tên nghiện lâu năm: Anh bị cơ quan chức năng “gom” đi kiểm tra sức khỏe, kết quả khiến Kiên choáng váng: dương tính với virus HIV.
Sống thế nào khi thấy đời quá ngắn?
Dẫu có nghĩ mình không còn tương lai, không còn gì để kéo mình lại với đời thì “đòn HIV” giáng một cú mạnh vào khát vọng sống cho ra con người của chàng “ết” này. Kiên quyết tâm cai nghiện, dù biết với thâm niên 10 năm sống chung cùng heroin, 7 lần tái nghiện thì điều đó chẳng khác nào tìm đường lên trời. Lần này, Kiên xin vào Trung tâm lao động - xã hội 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để cai nghiện. Phải mất 15 ngày người ta mới có thể cắt cơn được cho anh, bởi Kiên đã nghiện quá lâu, nhưng đến giai đoạn cai thuốc thì mới thực sự là cuộc thử lửa cho ý chí của chàng trai này.
Kiên nhớ lại: “Mỗi khi lên cơn nghiện có cảm giác như hàng ngàn con kiến đang bò trong xương, không thể chịu được. Đã có lúc mình tưởng sắp bỏ cuộc đến nơi, nhưng chính lúc đó mình nghĩ nếu buông xuôi sẽ tự đóng cảnh cửa trở về làm một con người đúng nghĩa”.
Sau 2 năm cai nghiện, ngày bước ra khỏi cổng trung tâm, Kiên bỗng thấy sợ, sợ giữa cuộc sống phức tạp và đầy rẫy cám dỗ sẽ không giữ được mình. Trở về nhà đúng dịp Tết, được bố, mẹ, anh, chị ra đón, ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình, Kiên cảm nhận cái không khí ấm cúng đầy tình thân mà gần 10 năm qua anh xao nhãng.
Quyết tâm thì có, nhưng hóa ra làm lại cuộc đời chẳng dễ gì, mà cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Gần 1 năm trời, Kiên đóng cửa ngồi ở nhà để tránh xa các bạn nghiện, chiêm nghiệm cuộc đời và tìm cho mình một lối đi. Anh xin bố mở quán rửa xe, vá xe đạp trước hiên nhà. Sợ rằng con sẽ tụ tập đám bạn xấu, ông hơi ngần ngại nhưng thấy được quyết tâm trong đôi mắt trũng sâu của Kiên, ông biết, mình cần phải đặt lòng tin vào con nhiều hơn. Quán rửa xe cũng khá đông khách, nhưng cái biệt danh Kiên “ết” cũng khiến không ít người nghi ngại, xa lánh và miệt thị. Thế rồi các dự án phòng chống AIDS tại cộng đồng được mở ra, Kiên trở thành thành viên tuyên truyền tích cực.
Một ngày tháng 10.2008, nhóm “Sông Lam Xanh” do Kiên làm trưởng đã ra mắt với sự tham gia của gần 30 thành viên có “H”. Ba năm sau, nhóm đổi thành Hợp tác xã Sông Lam Xanh, mô hình kinh doanh đầu tiên cho những người có “H” trên địa bàn tỉnh. Kiên khoe, không những tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người cùng cảnh ngộ mà Sông Lam Xanh còn là “bà mối” mát tay cho 5 cặp đôi có “H” nên vợ nên chồng, sắp tới sẽ có một đám cưới nữa diễn ra. Khuôn mặt nam tính, giọng nói nhẹ và đôi mắt sâu thăm thẳm với hàng mi rợp, Kiên được nhiều cô gái để ý, nhóm Sông Lam Xanh cũng không ít cô có cảm tình với anh chủ nhiệm nhưng anh khéo léo từ chối. Tình cảm chỉ mới nảy nở được chút ít đã bị anh “nén” lại, vì: “Bây giờ tôi không có thời gian nghĩ tới hạnh phúc riêng của bản thân. Lớn lên “bập” vào ma túy cũng không nghĩ đến yêu đương, giờ thì... Quan trọng nhất là phải lo cho cuộc sống của anh em có “H” để họ tự tin hơn mà kéo dài tháng ngày ít ỏi của mình”. Hiện tại, đấy là niềm vui, là động lực sống để Kiên biến thời gian anh giành giật lại từ cơn ác mộng ma túy trở nên tràn đầy ý nghĩa, không chỉ bản thân mà với cả cộng đồng.
Từ "đồ bỏ đi" đến niềm vui lớn
Khi biết tin anh có “H” , mọi người trong gia đình phản ứng như thế nào?
Gia đình đều sốc và buồn trong thời gian dài. Hồi đó , ngay chính gia đình tôi cũng chưa hiểu hết về căn bệnh xã hội này , thậm chí mọi người không cho tôi động vào bất cứ việc gì cả. Không kỳ thị, không nhưng tôi nhận thấy sự e ngại trong mắt mọi người.
Vì sao lúc trước lao vào ma túy bất cần đời, giờ mang căn bệnh thế kỷ anh lại sống khác hẳn?
Tôi nhận thấy rằng có “H” không phải là chấm hết. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh bị lây nhiễm khác nhau, mình rất muốn giúp đỡ các bạn bằng hiểu biết và tâm huyết của mình.
Rầt nhiều người có "H" cũng tìm được tình yêu và kết hôn hạnh phúc. Tại sao anh từ chối tình yêu?
Người có "H" cũng là con người, cũng khao khát mái ấm gia đình và tiếng bi bô của con trẻ nhưng với tôi bây giờ, chuyện vợ con chưa thể nói được. Không phải là trái tim tôi bị băng giá hay không muốn tìm hạnh phúc cho bản thân. Trước khi tìm nửa hạnh phúc cho mình tôi muốn chứng tỏ rằng tôi đã hoàn toàn thay đổi với quá khứ và đã có thể mang lại điều có ích để bù đắp những sai lầm...
Đến nay 36 tuổi, người bình thường ai chẳng có kỷ niệm yêu đương, anh thật sự không yêu ai, hay mặc cảm nên che giấu cảm xúc của mình?
Không đâu, tôi hoàn toàn không giấu giếm.
Cuộc đời rất ngắn ngủi thì càng phải sống đầy đặn, mãnh liệt hơn, tại sao anh chỉ sống “định cư” trong cái “hầm lò” nóng nực của Hợp tác xã mà không tìm niềm vui khác nữa?
Mô hình này là ý tưởng của tôi và các bạn tôi đã xây dựng. Khởi sự khó khăn, thiếu vốn đầu tư ban đầu nhưng đằng sau đó là niềm vui của mọi người với công việc. Chúng tôi giúp mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh. Họ vẫn có thể sống tốt, sống có ích và không phải là gánh nặng của xã hội nếu có một mô hình hoạtđộng phù hợp. Niềm vui lớn nhất bây giờ của tôi là làm được điều gì đó cho những người có “H”.
Anh có thể kể lại vài kỷ niệm vui nhất mà anh có từ khi cai nghiện thành công? Cảm giác “thăng hoa” này nó khác với “phê” nhờ thuốc như thế nào?
Vui nhất là tôi được đi báo cáo điển hình, chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện thành công với những người đồng ngộ tại các trung tâm cai nghiện trên địa bàn. Giờ đây trong mắt mọi, người mình không còn là người nghiện và đã lấy lại được lòng tin ở mọi người. Niềm vui ấy lớn lắm , lớn đến nỗi một người từng bị coi là “ đồ bỏ đi" như mình không dám tin đó là sự thật.