Tôi và anh cùng Trường, khác khoa, dù mới về trường, nhưng tôi thấy anh thiện cảm như đã quen từ lâu rồi. Gặp đâu cũng thấy anh nở nụ cười đôn hậu, dễ gần.
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, thi thoảng gặp anh đến tòa soạn Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) gửi bài. Lúc đó tôi kiêm nhiệm làm công việc xuất bản cho Tạp chí. Những bài viết của anh về chính trị học rất sâu sắc, đậm chất học thuật. Đó cũng là thời điểm anh từ Viện Dân tộc học đầu quân về công tác tại Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh em biết nhau từ đó...
Anh - PGS.TS. Lưu Văn An luôn nở nụ cười đôn hậu, dễ gần
Tôi và anh cùng Trường, khác khoa, dù mới về trường, nhưng tôi thấy anh thiện cảm như đã quen từ lâu rồi. Gặp đâu cũng thấy anh nở nụ cười đôn hậu, dễ gần. Mỗi lần gặp, biết tôi không chỉ giảng dạy báo chí mà còn hằng ngày có mặt ở các tòa soạn hoạt động nghiệp vụ, anh hay chia sẻ, trao đổi, nhất là việc viết bài nghiên cứu.
Rồi anh giữ chức vụ Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Chính trị học, Chủ tịch Công đoàn Học viện, Phó giám đốc Học viện... Cứ tưởng anh có chức vụ, lên cao hơn, sẽ khó gần, nhưng không phải vậy, anh lại dễ gần hơn... Vẫn nụ cười ấy, tính cách ấy, tấm lòng ấy...
Có lần, Công đoàn Học viện đi thực tế tại Đà Nẵng. Khi đó anh là Chủ tịch Công đoàn, còn tôi chỉ là một Ủy viên BCH. Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại ở nhà khách của Học viện Chính trị Khu vực 3. Khi nhận phòng, anh chỉ tôi, bảo, hai anh em mình ở chung một phòng. Anh cười hề hề, nói: Tớ ngủ là ngáy to lắm đấy nhé, thông cảm! Đêm đó, anh ngủ ngáy to thật. Người ngủ ngáy to thường rất tỉnh. Thấy tôi chưa ngủ, anh cũng dậy. Hai anh em nằm tâm sự. Tôi còn nhớ, anh bảo, nếu như sau này tớ (anh) làm lãnh đạo Nhà trường, sẽ cố gắng làm việc công tâm, khách quan, đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động...
Sau cái đêm không ngủ ấy, ít lâu sau, anh được giao giữ chức vụ Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phụ trách mảng đào tạo. Thời điểm này, việc mở lớp ở địa phương bắt đầu gặp khó khăn, anh đã cùng với Ban Giám đốc tìm mọi cách, tháo gỡ từng nút khó để công tác đào tạo của Nhà trường tiến vững chắc... Rồi sau đó, đồng chí Giám đốc Học viện hết tuổi, nghỉ quản lý, anh được cấp trên giao nhiệm vụ tạm thời điều hành Học viện, rồi làm Phó Giám đốc Phụ trách Học viện ngót một năm trời... với đầy rẫy những khó khăn...
Có lần, anh mời tôi xuống trao đổi công việc. Anh đặt vấn đề muốn tôi nhận nhiệm vụ mới... Sau khá nhiều lần anh gặp, trao đổi, tôi đồng ý nhận nhiệm vụ mới... Bởi lẽ, tôi nhìn thấy từ ánh mắt, từ nụ cười của anh là thiện tâm, muốn tôi chung sức làm điều tốt...
Những ngày đầu tiên làm công việc mới, tôi cũng thấy chút chênh vênh. Phần vì đang từ chuyên môn này qua chuyên môn nọ. Phần vì lo khó hoàn thành nhiệm vụ... Có lần anh bảo, làm công việc mới, biết em phải hy sinh nhiều thứ, kể cả tiền bạc (lúc đó tôi kiêm nhiệm công việc cố vấn chuyên môn cho một vài tờ báo nên có thu nhập khá). Anh bảo, nhưng đừng tính, cứ làm được việc có ích cho Nhà trường là em thấy thanh thản, tự hào. Mà như anh, thế thật. Lúc nào cũng chỉ thấy anh với ý này, cách nọ... Hôm.nào cũng thấy anh ngồi làm rốn công việc cho đến 7-8 giờ tối. Có hôm, anh chạy về nhà ăn vội bát cơm, rồi lại tất tả lên phòng làm việc tiếp tục nghiên cứu, giải quyết nốt công việc tồn đọng... Bận là thế, nhưng gặp đâu anh cũng vẫn nở nụ cười tươi.
Tôi với anh ở cùng khu tập thể. Sáng nào hai anh em cũng cùng đến Trường. Có hôm đi bộ phía sau, đuổi mãi mà không kịp. Anh đi bộ cứ thoăn thoắt với phong cách du học từ thời Liên Xô. Chỉ tội cái dáng hơi gù, đi lao về phía trước khiến anh hay gặp phải những công việc khó khăn, phức tạp. Cũng may, cái nụ cười hoa nở từ tâm mà anh khiến nhiều người mến phục, chung sức gánh vác...
Hằng tuần, tôi được họp chung với Ban Giám đốc Học viện. Mỗi buổi họp, sớm thì từ 8.00 đến 11.00, chậm thì có hôm sát 13.00 chúng tôi mới xong việc. Sau mỗi buổi họp, tôi chắp bút ra Thông báo kết luận để chỉ đạo, điều hành các công việc của Nhà trường. Tôi thường gửi file mềm qua thư điện tử để anh duyệt. Có hôm do bận đi công tác, anh không kịp đọc. Anh bảo tôi cứ chủ động ký, đóng dấu ban hành. Tôi nói đùa: thế anh không sợ em ký giấy "bán Học viện" à? Anh bảo, cậu soạn chuẩn, ít phải sửa nên tớ tin. Nhưng cũng không nên chủ quan do vội, qua loa. Vì ban hành một quyết định sai sót là lợi ích tập thể, cá nhân bị ảnh hưởng...
Hôm 09/4/2021, tôi soạn thảo bản Thông báo chỉ đạo tuần, gửi mail để anh duyệt. Do bận nên mãi tận cuối giờ anh mới gửi lại, do đó sáng mai tôi mới ký, đóng dấu ban hành. Đây là lần cuối cùng anh duyệt một văn bản chỉ đạo, điều hành ở Học viện.
Khoan nói đến công việc hành chính thường nhật. Có người bảo, lãnh đạo này (anh) cũng "dễ ham vui". Đừng nghĩ xấu. Anh thích đi du lịch dân dã. Anh thích ăn món dân dã. Anh thích mặc dân dã. Anh thích hát dân dã... Anh bảo, tớ từ nông dân chính hiệu, chăn trâu cắt cỏ mà ra, gần với tự nhiên, dân dã...
Anh là người thích ăn dân dã. Cách đây ít hôm, mấy anh em rủ nhau đi ăn trưa, bình dân. Gọi toàn món cơm quê, nhìn thấy anh ăn ngon lành, khen tấm tắc rằng lâu mới được ăn... như ở quê.
Còn nhớ, khi mới nhận chức Phó giám đốc Phụ trách Học viện, trong một cuộc họp, anh bảo từ nay có đối tác, khách quý, ta cứ mời tầng 2 Nhà ăn sinh viên để đãi. Tính anh dân dã là vậy, không như nhiều kẻ mượn danh chủ tài khoản, mỗi khi ăn nhậu, "khách 3 chủ nhà 7", vung quỹ công đem đi đãi đối tác sơn hào hải vị mà không biết xót. Anh bảo, Học viện giờ cũng khó khăn, giảm chi là phúc lợi của cán bộ tăng hơn, nên làm, khách tử tế chắc mọi người dễ cảm thông.
Cách đây ít hôm, anh bảo, tớ bắt đầu nhịn ăn bữa tối để giảm béo bụng. Mỗi trưa, anh chỉ ăn nhẹ miếng lượng khô, múi cam, hộp sữa, rồi tranh thủ... "xẻ gỗ". Hình như anh cũng ít ăn bữa sáng. Có lẽ vì chủ quan chuyện ăn uống và với tốc độ, sức lực làm việc cường độ cao, cộng thêm "lười" thăm khám nên anh không biết cơ thể của mình đã có những chỉ số không tốt...
Chuyện mặc của anh cũng giản đơn. Có hôm thấy anh mặc chiếc áo trắng đã ngả "màu cháo lòng", nhăn nheo, cô cán bộ văn phòng khuyên nên... thay. Anh do dự một chút, quay lại phòng thay chiếc áo khác. Có lần, thấy anh mặc một chiếc áo "chim cò" đến cơ quan. Trêu, anh bảo, có ai đó tặng, mặc cũng thấy... đẹp. Có lần, anh em khối phục vụ thấy mùa đông nào anh cũng chỉ tềnh toàng chiếc veston dạ ghi xanh đen hoặc bộ comple sờn vạt do mặc lâu năm, nên quyết định một chiếc veston mới. Vậy mà suốt mùa đông vừa qua không thấy anh mặc. Chắc nhận xong quà, mải vui để "quên" ở đâu đó.
Thi thoảng cuối tuần, mấy thầy trò, anh em thường rủ nhau đi các tỉnh miền núi, vào bản làm khám phá đặc trưng vùng miền, dân tộc, món ăn, tập tục... Nhiều người đặt câu hỏi, rằng tại sao cái ông dạy Chính trị học này hay có sở thích khám phá miền núi, dân tộc? Hóa ra anh là dân nghiên cứu về Dân tộc học xịn.
Anh từng tốt nghiệp Đại học Ngành Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, rồi Tiến sĩ Dân tộc học tại trường Đại học SaintPetecbua (Nga), rồi là Phó giáo sư Ngành Chính trị học...
Có lần, đi khảo sát cùng anh để thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước về "Truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số" ở bản Mông Hang Kia, xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình (một tụ điểm nổi tiếng buôn bán ma tuy đã từng bị tiêu diệt cách đây ít năm). Trên đường đèo đến bản, nhớ những chuyến đi xưa, kể câu chuyện thời làm báo miền núi có anh nhà báo nổi tiếng... ở bẩn từ thời sinh viên Văn khoa Tổng hợp. Kể xong, anh hỏi: có phải nhà báo ấy tên Lại Cao Khai không? Bảo đúng! Anh kể, hóa ra là bạn cùng phòng ở Ký túc xá Mễ Trì từ thời những năm 80. Kết nối qua điện thoại, chỉ thấy họ cười. Tiếc là chưa đến thăm nhau được thì anh đã thảnh thơi, ra đi vội vàng...
Hôm ở Hang Kia, anh có vẻ rất tâm đắc, thích thú được ở bản Mông, ăn đồ ăn Mông, mận hậu...Trưa hôm đó, chúng tôi vui hết mình. Cậu A Nha Vang giới thiệu người bố cùng tuổi với anh. Hai người thích thú, nâng chút đỉnh kết nghĩa anh em. Tiếc là sau đó độ hơn một tháng, người anh em kết giao của anh yểu mệnh, sớm rời cõi tạm. Bây giờ thì hai người lại được gặp nhau, được vui vầy bạn nghĩa đồng niên xứ tiên cảnh rồi...
Đợt sau Tết Tân Sửu, anh bảo muốn lên xứ Mường. Chúng tôi cùng anh, chị rong ruổi Hòa Bình, khám phá văn hóa Mường. Anh thích thú khi được thực địa đời sống của đồng bào. Xứ Mường mùa lê, mận bung lụa, trắng biếc núi rừng, đẹp lắm. Chị Vân vợ anh rất thích thú với chuyến diền dã này... Anh bảo, so với nghiên cứu lý thuyết bằng việc ngồi một chỗ hệ thống, tư biện thì đi thực tế, có đầy thực chứng để mà phân tích... Có lẽ cũng vì thế mà Đề tài khoa học cấp Nhà nước của anh được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao vì tính thực tiễn, số liệu phong phú.
Anh là người làm khoa học nghiêm túc. Những người từng dự Hội đồng khoa học đánh giá luận văn, luận án đều có chung nhận xét, rằng anh rành mạch, thẳng thắn, công tâm và cả nhân văn. Anh sẵn sàng ngồi vạch ra cho học viên, nghiên cứu sinh đề cương chi tiết, khung lý thuyết của vấn đề nghiên cứu, phương pháp tiếp cận để có được dữ liệu định lượng, định tính...
Khoảng này tháng Ba trước, anh sốt sắng với chuyến thiện nguyện ở vùng rẻo cao cực Tây, Sìn Hồ, Lai Châu. Lẽ ra chuyến đi diễn ra từ áp Tết Tân Sửu. Tiếc là do dịch Covid-19 mà chúng tôi lỡ hẹn. Hôm lên Lai Châu, anh bảo, đây là tỉnh cuối cùng anh "cán đích" trong số 63/63 tỉnh thành của nước Việt yêu mến!
Cũng vẫn lại sự trăn trở với đồng bảo miền núi, dân tộc, chuyện đói nghèo, thất học, thông tin... mà anh lên với đồng bào. Anh không phải là đại gia rủng rỉnh tiền bạc đem đi vãi. Anh chỉ có tấm lòng, tình yêu đồng loại. Cũng vì thế mà cán bộ, giảng viên yêu mến, đồng sức quyên góp thiện nguyện cùng anh để mang "Xuân ấm" lên vùng cao Sìn Hồ, Lai Châu. Giữa tiết trời lạnh cắt da thịt, những đứa trẻ vốn áo rách 4 mùa nay có thêm manh áo ấm áp tình người... Hơi ấm này mang lại từ nụ cười thiện nguyện của anh. Bà con người Dao, Mông, Thái ở Sìn Hồ sẽ luôn nhớ về anh, người trưởng đoàn thiện nguyện AJC gần gũi...
Sáng nay, trưa hôm nay (11/4), lãnh đạo Báo Lại Châu biết tin dữ, điện hỏi thăm, chia buồn. Các anh chị vẫn còn nhớ mãi nụ cười thân thiện của người anh, người Thầy đáng kính và khẳng định sẽ sớm kết nối để mở được các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - truyền thông như tâm nguyện dang dở của anh...
Cũng chẳng biết số phận thế nào cứ đưa đẩy anh lên non cao Tây Bắc, nơi đồng bào còn thiếu đói, ít cái chữ, lắm cái tình... Sau mấy chuyến đi bản Mông, Mường, xứ Hòa Bình, Sìn Hồ, Sin Suối Hồ,... anh lại theo tiếng gọi Tây Bắc để lên với Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), nơi đây có những người học trò yêu quý, thành đạt và nơi đây như là một tiềm năng mở ra cho tương lai kết nối sự nghiệp giáo dục giữa Nhà trường và địa phương.
Và chuyến đi này anh cũng ở một địa danh mang tên là Tây Bắc và cũng từ đây, anh rời cõi tạm một cách nhẹ nhàng, thanh thản trong sự buồn thương, tiếc nguối của bao người...
Cứ ngỡ anh bị cảm nhẹ. Khi đỡ anh nằm trên xe đến bệnh viện, anh vẫn ấm hơi.... Thế mà anh nỡ vội ra đi nhanh thế sao? Bố mẹ già, những người thân yêu của anh ở quê giờ này chắc trắng đêm mong ngóng anh trở về trong vòng tay yêu thương nơi đất mẹ. Tiếc là anh đã sớm vội ra đi khi mà sức trí tuệ đang thời mẫn tiệp... Tiếc là anh đang thời sôi nổi, tự tin, sung sướng giữa một bao la, đông đúc các thế hệ học trò...
Vừa mới đây thôi, anh còn hẹn một lời với một vị lãnh đạo cấp cao hứa sẽ về thăm trường cũ trong một ngày gần nhất... Và anh hẹn hứa với tập thể AJC và các cựu sinh viên, học viên sẽ tổ chức một buổi Lễ 60 năm trang trọng.... Và còn nhiều dự định anh bàn với tập thể lãnh đạo AJC....
Thế mà anh nỡ vội đi...
PGS,TS. Hà Huy Phượng
Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ