Chuyến công tác tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã trở thành “chuyến đi cuối cùng” trong cuộc đời PGS.TS Lưu Văn An, Phó Bí thư Đảng uỷ, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, một người thầy đáng kính của bao thế hệ học viên, sinh viên.
Đột ngột ra đi khi nhiều dự định đầy tâm huyết cho tương lai còn đang dang dở, với chưa tròn lục thập hoa giáp nơi “cõi tạm trần gian”, song PGS.TS Lưu Văn An đã vĩnh viễn in lại những dấu ấn khó phai mờ trong cuộc đời làm nghề, làm người mà nhiều đồng nghiệp, học viên, sinh viên luôn ngưỡng mộ.
PGS.TS Lưu Văn An sinh năm 1962, là người con của quê hương Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình. Năm 1988, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Leningrat (Nga) chuyên ngành Dân tộc học. Sau này, có một thời gian ông làm Tiến sĩ và Thực tập sinh tại Đại học Saint Petersburg (Nga), chuyên ngành Dân tộc học.
Về Việt Nam làm việc, ông từng công tác tại Viện Dân tộc học, từ năm 1999 chuyển sang Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tại đây, ông trải qua nhiều vị trí công tác: Giảng viên khoa Chính trị học, Phó Trưởng khoa Chính trị học, Trưởng khoa Chính trị học, Phó Giám đốc Học viện rồi Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trong hơn 20 năm công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, PGS.TS Lưu Văn An cũng luôn nêu cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tích cực lao động, học tập và cống hiến. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, ông là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước).
Ông vừa hoàn thành xuất sắc Đề tài khoa học cấp Nhà nước về truyền thông cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là lý do mà nhiều năm nay, ông gắn bó với Tây Nguyên, Tây Bắc của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…
Cách đây một tháng, ông đạt được ước nguyện đến với Lai Châu - hoàn thành hành trình chinh phục đủ 63 tỉnh, thành phố của đất nước Việt Nam yêu dấu. Là tác giả của hàng chục cuốn giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo có giá trị, phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo Đại học và sau Đại học trong và ngoài Nhà trường, PGS.TS Lưu Văn An đoạt nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học; được tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học do Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng.
Nhiều phần thưởng cao quý khác cũng đã được trao tặng để ghi nhận những đóng góp quan trọng của PGS.TS Lưu Văn An vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đối với đồng nghiệp, cấp dưới, PGS.TS Lưu Văn An là một người lãnh đạo tận tâm, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dân chủ, đoàn kết, luôn đặt hiệu quả và sự phát triển của Học viện lên trên hết.
Khi nghe tin PGS.TS Lưu Văn An qua đời, từ quốc tế, nhiều lời chia buồn đã được gửi đến Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngài Jorg Matthes, Trưởng khoa Truyền thông, Đại học Tổng hợp Viên (Áo) viết “Với sự đau buồn, chúng tôi đón nhận thông tin PGS.TS. Lưu Văn An, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ra đi mãi mãi. Đây là tổn thất lớn đối với Học viện. Khoa Truyền thông thuộc Trường Khoa học xã hội, Đại học Tổng hợp Viên sẽ nhớ mãi một đối tác học thuật đáng mến và một người bạn tốt… Chúng tôi biết ông là một nhà khoa học xuất sắc, quan tâm đến nghiên cứu lý luận và nghiên cứu so sánh. Chúng tôi sẽ nhớ đến ông ấy như một đồng nghiệp thân thiện và vui tính tuyệt vời”.
Giáo sư Peter Rodenberg, Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức) cho biết “Sự ra đi đột ngột của Quyền Giám đốc Lưu Văn An thật là bàng hoàng, khiến tôi vô cùng đau xót. Tôi nghĩ, tôi có thể thay lời cho những người biết ông ấy để nói rằng, ông ấy đã để lại khoảng trống không gì bù đắp được. Sự hài hước và nhân văn của ông An khiến ông được mọi người kính trọng và yêu mến. Ông ấy thật là một người bạn tốt và thân thiện! Tôi nghĩ, mình có thể nói một cách chắc chắn rằng, tất cả những người biết ông An sẽ vô cùng thương nhớ khuôn mặt tươi cười của ông ấy”.
PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một đồng nghiệp với PGS.TS Lưu Văn An cho biết: “Cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện dễ nhận thấy hình ảnh một đồng nghiệp, một người thầy cần mẫn, mê mải làm việc ở trường tới tận tối khuya và cả những ngày nghỉ cuối tuần. PGS.TS Lưu Văn An ra đi nhưng còn để lại một tấm gương về một nhà giáo tận tụy, một nhà khoa học say mê nghiên cứu và một nhà quản lý giáo dục tâm huyết, trách nhiệm”.
Đối với các thế hệ học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS Lưu Văn An luôn là một nhà giáo mẫu mực, đáng kính và hết sức gần gũi. Một cựu sinh viên khoa Chính trị học kể “Ngày đó cả khoa chúng tôi chỉ có một lớp và thầy làm Trưởng khoa. Là những hạt giống đầu tiên nên chúng tôi được các thầy cô chăm sóc rất kỹ lưỡng. Ban đầu, tất cả chúng tôi đều nghĩ đã lên đến Đại học sẽ còn rất ít những tình cảm thầy trò đậm sâu như thế. Dịp 20-11 năm thứ nhất, thầy nói với chúng tôi: “Lớp mình toàn nhà nghèo, bố mẹ hầu hết là nông dân. Thầy cũng xuất thân như vậy nên rất hiểu hoàn cảnh của các em. Tình cảm của trò mới là món quà quý nhất đối với thầy”. Sau câu nói ấy của thầy, nhiều bạn trong lớp đã khóc vì cảm động và trân quý một người thầy giản dị, luôn hết lòng vì sinh viên”.
Một cựu sinh viên khác chia sẻ “Tôi lấy chồng sớm nhất lớp, khi còn đang là sinh viên nên thầy rất thương. Sau này, có lần thầy về công tác tại tỉnh, ngỏ ý muốn vào thăm nhà tôi, nhưng tôi còn e ngại vì nhà cửa lụp xụp, hoàn cảnh còn khó khăn. Vậy mà đón thầy tại ngôi nhà chật hẹp trong con ngõ nhỏ, tôi được thầy truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, lạc quan hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.
Một người lãnh đạo mẫu mực, một đồng nghiệp giản dị và nhiệt tâm, một người thầy kính yêu đối với biết bao thế hệ học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mãi mãi ra đi, nhưng chắc chắn, đọng lại trong ký ức những người ở lại nguồn cảm hứng sống và cống hiến đến hơi thở cuối cùng của PGS.TS Lưu Văn An.