Giáo dục thanh niên là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược, là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống nhà trường, gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng _ Ảnh: congdankhuyenhoc.vn1. Mở đầuThanh niên là lực lượng xã hội to lớn, đang ở độ tuổi sung sức, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là chủ nhân tương lai, một trong những nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng. Tuy nhiên, do tuổi đời còn trẻ, thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm; trong khi đó, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đối với thanh niên. Vì vậy, giáo dục thanh niên là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược, là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống nhà trường, gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao công tác này, cần quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên nói chung, công tác giáo dục thanh niên nói riêng.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niênMột là, giáo dục thanh niên là công việc đặc biệt quan trọng và cần thiếtTrong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, Người nhắc nhở: “phải giáo dục thanh niên hăng hái tòng quân để đánh giặc, để giải phóng dân tộc, để bảo vệ Tổ quốc”(1). Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng nước ta và với tầm nhìn chiến lược, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(2). Quan trọng, vì cách mạng là sự nghiệp lâu dài, khó khăn và cần đến trách nhiệm, đóng góp của nhiều thế hệ nối tiếp nhau; việc bàn giao thế hệ không đơn thuần chỉ là trao lại những gì đã có, mà cần hơn cả là phải bảo đảm sự định hướng tư tưởng, kiến thức và phương pháp để giúp thanh niên góp phần giữ vững các thành quả cách mạng, tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, xây dựng đất nước ta sánh vai với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Cần thiết, vì tình hình đất nước và thế giới luôn phát triển không ngừng, có nhiều vấn đề mới phát sinh, trong khi đó thanh niên đang ở độ tuổi trưởng thành, chưa được trải qua nhiều thử thách, nên có thể có những lúng túng, ngộ nhận cái mới.Hai là, muốn làm tốt việc giáo dục thanh niên, cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộcTrong rất nhiều bài viết, bài nói, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng nước nhà. Ngay những năm đầu mới giành được chính quyền, trong Thư gửi các bạn thanh niên ngày 17-8-1947, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(3); “tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”(4).Luận điểm thanh niên “là người chủ tương lai của nước nhà” được Người nhắc lại nhiều lần. Thanh niên chính là thế hệ tiếp nối giữa thế hệ cách mạng đi trước và thế hệ thiếu niên kế tiếp: “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng”(5).Người đánh giá, với nhiệt huyết và năng lực của tuổi trẻ, thanh niên nước ta luôn là lực lượng xung kích, xung phong trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn các kiện tướng làm thủy lợi, cải tiến nông cụ đều là thanh niên. Trong sản xuất công nghiệp, thanh niên cũng là những người đi đầu phong trào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Trong lĩnh vực văn hóa, thanh niên cũng đi đầu trong công tác xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, văn hóa - văn nghệ. Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thanh niên cũng là đội quân chiến đấu, bám trụ bảo vệ biên cương, giữ gìn an ninh trật tự…Đặc biệt, trong đội ngũ cán bộ có lực lượng đông đảo là cán bộ, đảng viên trẻ, là thanh niên. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ… Già có việc già, trẻ có việc trẻ”(6); “Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được”(7). Trước những ý kiến có phần e ngại, xem thường cán bộ trẻ, Người phân tích: “Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn”(8). Muốn vậy, theo Người, cán bộ già phải đánh giá đúng ưu điểm của cán bộ trẻ, của thanh niên, từ đó giáo dục, dìu dắt họ nhanh tiến bộ, trưởng thành.Ba là, nội dung giáo dục thanh niên phải toàn diệnHồ Chí Minh coi giáo dục thanh niên là sự nghiệp trồng người cho lợi ích trăm năm. Tư tưởng bao trùm của Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên là giáo dục một cách toàn diện, cả đức, tài và thể chất: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục”(9). Người đặc biệt coi trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên: “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam ta”(10).Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””(11). Trong giáo dục chính trị đạo đức, cần giáo dục thanh niên: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân… Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?... Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”(12).Về quan hệ giữa giáo dục về đức và tài cho thanh niên, Người phân tích cụ thể: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên… thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”(13). Người cũng yêu cầu phải quan tâm giáo dục thanh niên cả về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giúp thanh niên “nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”(14).Bốn là, phương thức giáo dục phải gắn với thực tiễn xã hội và phù hợp với đặc điểm của thanh niênLà thế hệ đang trưởng thành, thanh niên hằng ngày, hằng giờ chịu tác động mạnh mẽ từ thực tế đời sống xã hội, cả những mặt tốt và những mặt xấu. Vì vậy, Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội… sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên”(15). Trong giáo dục thanh niên, phải gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy ý thức tự giác của thanh niên; nội dung phải phù hợp với trình độ nhận thức của thanh niên, tránh “đưa “thặng dư giá trị” nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân”(16). Chẳng hạn, đối với thanh niên công nhân, phải “thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ”(17). Cần lồng ghép việc giáo dục với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh niên: “Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên…Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”(18). Hoạt động thể dục thể thao cũng là việc giáo dục nhận thức về thể chất cho thanh niên.Năm là, giáo dục thanh niên là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của ĐảngGiáo dục thanh niên thông qua các nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội gia đình và cả xã hội. Vì vậy, Người yêu cầu: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”(19); “Trường học phải liên hệ chặt chẽ với gia đình, với xã hội. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình”(20). Các cấp ủy đảng trực tiếp giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và phong cách công tác cho đảng viên là thanh niên và lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các đoàn thể làm tốt công tác giáo dục thanh niên. Tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ, hội nông dân có trách nhiệm giáo dục thanh niên là thành viên của tổ chức mình về các nội dung liên quan, trong đó có việc giáo dục thông qua phổ biến kinh nghiệm thực tiễn: “Việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm là phận sự của… Đoàn Thanh niên, Công đoàn và Nông hội. Chính quyền cũng phải săn sóc giúp đỡ việc này”(21). Đoàn thanh niên là trường học giáo dục thanh niên thông qua sinh hoạt đoàn và các hoạt động của đoàn, nhất là qua các phong trào của thanh niên: “Đoàn Thanh niên ta cần có kế hoạch thiết thực… để tổ chức, huấn luyện, lãnh đạo toàn thể thanh niên”(22). Các cán bộ già cũng có thể tham gia giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, ý chí chiến đấu, tinh thần dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách thông qua các chuyện kể về quá trình tham gia cách mạng của mình: “Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên”(23).3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo dục thanh niên hiện nayYêu cầu của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của lực lượng thanh niên đòi hỏi phải tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thanh niên nhằm xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, sống có văn hóa; có hoài bão và khát vọng cống hiến cho đất nước; có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, kỹ năng và tác phong đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong công việc này, cần quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên trong tình hình mới.Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong công tác giáo dục thanh niênTrong những năm qua, các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục thanh niên, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, chấp hành không nghiêm pháp luật, chạy theo lối sống thực dụng, thị hiếu tầm thường; trình độ, năng lực của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, miền núi, còn có những bất cập so với yêu cầu của thời kỳ mới. Công tác giáo dục thanh niên chưa có những đổi mới rõ nét. Chất lượng, hiệu quả đào tạo đại học và đào tạo nghề cho thanh niên chưa cao; nội dung, chương trình còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, rèn luyện kỹ năng; giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống nhà trường, các gia đình và toàn xã hội cần quan tâm hơn tới công tác giáo dục thanh niên, coi đây là đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai của dân tộc. Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo điều kiện để mọi thanh niên đều có cơ hội được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt đáp ứng yêu cầu trước mắt và chủ động thích ứng với những yêu cầu mới trong tương lai.Hai là, bảo đảm giáo dục thanh niên một cách toàn diệnĐại hội XIII của Đảng định hướng nội dung giáo dục và đào tạo: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thế chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(24).Đối với thanh niên, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên”(25). Theo đó, nội dung đào tạo trong hệ thống nhà trường phải bảo đảm giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhằm hình thành lớp thanh niên có đủ ý chí, bản lĩnh, đạo đức và trình độ, năng lực sáng tạo, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh… Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và công việc của thanh niên để có nội dung giáo dục phù hợp với từng loại, từng đối tượng thanh niên.Ba là, đổi mới phương thức giáo dục thanh niênĐa dạng hóa các kênh giáo dục thanh niên, tạo cơ hội cho thanh niên được học tập kiến thức phổ thông, kiến thức đại học, kiến thức và kỹ năng nghề, lý luận chính trị, pháp luật, kể cả thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn. Gắn lý luận với thực tiễn, trang bị kiến thức với rèn luyện kỹ năng thực hành, nâng cao trình độ với nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, giữa “xây” và “chống”.Đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc cho thanh niên, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hấp dẫn, gắn với hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng trong giáo dục thanh niên. Tạo môi trường xã hội, điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập liên tục, học tập suốt đời.Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong công tác giáo dục thanh niênCác cấp ủy đảng đề ra các chủ trương, định hướng công tác giáo dục thanh niên, lãnh đạo các tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội nông dân, hội liên hiệp phụ nứ, hội cựu chiến binh, các cơ sở đào tạo, các cơ quan truyền thông đại chúng làm tốt công tác giáo dục thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, bảo đảm đúng định hướng của Đảng.Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt làm tấm gương thực tế để giáo dục thanh niên. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thanh niên, công tác giáo dục thanh niên; ban tuyên giáo và ban dân vận của cấp ủy tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác giáo dục thanh niên.Các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; quan tâm thích đáng phát triển giáo dục ở các địa phương miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn.Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát huy vai trò thật sự là trường học XHCN của thanh niên, trực tiếp giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.Công đoàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho thanh niên công nhân. Hội nông dân giáo dục thanh niên nông thôn có tinh thần xung phong, đi đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa, góp phần thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Hội liên hiệp phụ nữ tăng cường giáo dục nữ thanh niên phát huy truyền thống, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Hội cựu chiến binh phát huy vai trò của hội viên trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên. Các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giáo dục thanh niên.Năm là, phát huy ý thức tự giác học tập, rèn luyện của thanh niênÝ thức tự giác, sự nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng của thanh niên là yếu tố quan trọng để xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới. Bản thân mỗi thanh niên phải luôn chủ động, tự giác không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tích cực rèn luyên, nâng cao thể lực, trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt của gia đình; hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội. Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần động viên, khuyến khích thanh niên không ngừng phấn đấu, đồng thời xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về đạo đức, trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ; tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, nắm bắt nhanh các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thanh niên, trong đó có việc học tập và làm theo tấm gương tự học tập, tự rèn luyện của Người.4. Kết luậnSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên và sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam. Những tư tưởng của Người về giáo dục thanh niên mãi mãi soi đường cho công tác thanh niên nói chung, giáo dục thanh niên nói riêng. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, công tác giáo dục thanh niên cần được đẩy mạnh, đổi mới cả nội dung và phương thức cho phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới và nhu cầu, đặc điểm của thanh niên, nhằm bồi dưỡng và phát huy tối đa vai trò, năng lực của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc._________________Ngày nhận: 28-10-2024; Ngày bình duyệt: 30 -10-2024; Ngày duyệt đăng: 12-11-2024.Email tác giả: vutuanha.ajc@gmail.com(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.94.(2), (11), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.612, 622, 684.(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.216.(4), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.120, 343.(5), (6), (7), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.298, 273, 275, 277.(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.277.(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.377.(10), (12), (15), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.135-136, 264, 265-266, 266, 266.(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.399.(14), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.619, 747.(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.405.(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.153.(24), (25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136-137, 168.